Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 1.7: Niềm vui của người lao động
  • 15/06/2022

Từ 1.7, mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Nhiều người lao động bày tỏ sự vui mừng khi được tăng lương, sau 2 năm “lỡ hẹn” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ ngày 1.7: Niềm vui của người lao động

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 giúp đời sống của công nhân lao động đỡ phần nào khó khăn. Ảnh: Tất Thảo

Có thêm một chút tiền

Đến hôm nay, chị Leo Thị Mùi (SN 1986, ở Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) - công nhân Công ty TNHH Luxshare ICT (Vân Trung, Bắc Giang) vẫn ghi nhớ thông tin Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông báo về tăng lương tối thiểu vùng 6% tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân ngày 12.6.

Chị Mùi là một trong những công nhân tham dự Chương trình và được Thủ tướng tặng quà. “Điều mong mỏi không chỉ của tôi mà đại đa số công nhân khác là được tăng lương, cải thiện thu nhập. Chúng tôi cũng kiến nghị vấn đề này trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng. Hôm đó, trước phần đối thoại trực tiếp, Thủ tướng đã thông báo tin vui tới toàn thể người lao động là lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ 1.7.2022” - chị Mùi nói.

Làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ICT được 2 năm, chị Mùi có lương cơ bản 4,9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng tăng ca lên 60 giờ, chị Mùi mới có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng, đủ cho gia đình sinh hoạt, nuôi 3 con học hành.

Nhà cách nơi làm việc hơn 50km, chị Mùi quyết không thuê nhà trọ. Phần vì tránh phải thuê nhà, phát sinh thêm chi phí, phần vì cũng muốn ở gần các con. Nếu đi làm ca 1, chị phải dậy từ 4h30 sáng để kịp xe đón lúc 5h30. Mỗi tháng, chị Mùi mất 1 triệu đồng tiền đi lại. 

Ở quê, chồng chị làm vườn, trồng cây ăn quả. Chị Mùi cố gắng làm việc, tăng ca để có tiền trang trải cuộc sống. Cuộc trao đổi của PV và chị Mùi kết thúc lúc 21h30 - cũng là lúc xe đưa đón của công ty chở chị đến bến gần nhà sau một ngày làm việc.

Chị Đỗ Thanh Hương (công nhân công ty sản xuất bao bì tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) cho biết, chị nắm được thông tin tăng lương tối thiểu vùng qua báo chí; đồng thời giám đốc công ty cũng thông báo về nội dung này. Tuy nhiên, chị Hương chưa rõ sẽ được tăng lương ở mức bao nhiêu. 

Bước sang năm thứ 11 làm công nhân, lương cơ bản của chị Hương được 4,6 triệu đồng/tháng - cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện áp dụng trên địa bàn huyện Lâm Thao (3.430.000 đồng/người/tháng). Thêm một số khoản phụ cấp (tiền sản lượng, tiền thâm niên…), chị Hương có thêm chút tiền. Những ngày này, công ty ít việc nên chị chỉ được làm thêm 1 giờ/ngày.

“Tính cả lương cơ bản, tiền phụ cấp, tiền làm thêm, mỗi tháng tôi được khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này tôi phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải cuộc sống” - chị Hương than thở.

Một mình nuôi con nên cuộc sống của nữ công nhân này gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, giá xăng nhiều lần tăng khiến chị càng thêm áp lực. Mỗi ngày chị phải chạy xe máy đi làm tổng cộng quãng đường 17km, mỗi tháng chi 500.000-600.000 đồng tiền xăng.

“Khi có Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022, tôi mong Công đoàn cơ sở sẽ tích cực thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp để công nhân có mức lương cơ bản được cải thiện” - chị Hương bộc bạch.

Chưa cải thiện nhiều về thu nhập

Ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ - cho biết, khi Nghị định chính thức có hiệu lực, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng.

“Hai năm qua chưa được tăng lương nên công nhân lao động đều rất mừng khi nghe lương được tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mức tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% chỉ giúp công nhân đỡ khó khăn phần nào, chứ chưa cải thiện, thay đổi nhiều về cuộc sống của người lao động” - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ nhận định.

Ông Sinh nói thêm, khi Nghị định có hiệu lực, trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp sẽ có xu hướng tăng 6% đối với mức lương ghi tại hợp đồng lao động của từng công nhân. “Ngoài ra, hiện nay, các phụ cấp đối với công nhân lao động là những khoản cơ bản, nên chủ sử dụng lao động sẽ giữ nguyên, không thể cắt bớt khi tăng lương tối thiểu vùng” - cán bộ công đoàn này nói.

Chị Nguyễn Bích - Phòng nhân sự Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam (Thường Tín, Hà Nội) cho hay, đơn vị tuân thủ tuyệt đối về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1.7 theo quy định của Chính phủ.

https://laodong.vn/cong-doan/luong-toi-thieu-vung-tang-them-6-tu-ngay-17-niem-vui-cua-nguoi-lao-dong-1056446.ldo

Tin tức liên quan